Hoạt động

Giới thiệu dự án “Công nghệ khí hóa sinh khối - Giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải ở nông thôn Việt Nam (BEST)”

 

Dự án “Công nghệ khí hóa sinh khối - Giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải ở nông thôn Việt Nam (BEST)” do Liên Minh Châu Âu tài trợ được Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững (CCS) triển khai trong 04 năm (2020 - 2024) tại bốn tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, và Yên Bái. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy chế biến sản phẩm nông sản bền vững và góp phần tăng cường quản lý chất thải ở các vùng nông thôn Việt Nam bằng cách đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ khí hóa sinh khối liên tục theo thể tích (VCBG) như một giái pháp năng lượng tái tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình.

Trình diễn công nghệ Khí hoá sinh khối (VCBG) tại Hội thảo Khởi động Dự án BEST được tổ chức ngày 10 tháng 11 năm 2020

Công nghệ VCBG do CCS phát triển là một cải tiến của công nghệ khí hoá sinh khối (biomass gasification) sử dụng nhiên liệu là các vật liệu gốc hữu cơ. Quá trình khí hóa sinh khối và đốt dễ dàng khởi động, dễ quan sát, dễ điều khiển. VCBG có hiệu quả sử dụng thể tích thiết bị gấp 3 lần so với các hệ thống khí hoá liên tục công nghiệp, có chi phí sản xuất rất thấp, khoảng 4 USD/kW công suất, cho hiệu suất sinh gas và hiệu suất nhiệt rất cao (hệ số chuyển đổi từ nhiên liệu ra syngas (khí tổng hợp) là 98%, hiệu suất nhiệt cho bếp dân sinh là 67%, cho lò hơi ít nhất là 85%).

 

Các mục tiêu cụ thể của dự án:

  •  2.500 hộ chế biến nông sản
  • 100 doanh nghiệp cơ khí và 400 đơn vị cung ứng sinh khối sẽ được tiếp cận công nghệ và tham gia vào dự án
  • Khoảng 1,2 triệu người (50% phụ nữ) tại bốn tỉnh địa bàn dự án được hưởng lợi.
  • 1,4 triệu tấn sinh khối được sử dụng làm nhiên liệu cho VCBG tại 4 tỉnh.
  • 2 triệu tấn COgiảm phát thải tại 4 tỉnh.
  • 90% MSEs chế biến nông sản ứng dụng VCBG hài lòng với dịch vụ cơ khí và cung ứng sinh khối tại địa phương.
  • 25% đề xuất chính sách của dự án được chấp nhận và áp dụng trong các bản luật và chính sách có liên quan.

 

Ông Nguyễn Hồng Long (người thứ 2 bên trái sang) trả lời, chia sẻ về công nghệ VCBG và dự án tại hội thảo

Trung tâm nghiên cứu tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững (CCS) với vai trò là đơn vị đồng thực hiện dự án và trực tiếp triển khai các hoạt động liên quan tới việc phát triển thúc đẩy và nhân rộng công nghệ VCBG tại địa phương. CCS kỳ vọng vào một hệ sinh thái bền vững được hình thành và đóng góp ý nghĩa cho việc thúc đẩy công nghệ VCBG tới cộng đồng. Thúc đẩy công nghệ VCBG tới các nhóm tiêu cụ thể dự án gồm các cơ sở cơ khí địa phương, chế biến và cung cấp nhiên liệu, các cơ sở, hợp tác xã sơ chế và chế biến nông sản tại 4 tỉnh dự án sẽ góp phần giúp hình thành lên các tiểu hệ sinh thái ngay tại cơ sở, tạo dựng công ăn việc làm, nâng cao chất lượng sản phẩm và đóng góp ý nghĩa trong việc xử lý và quản lý chất thải tại địa phương.

Nguyễn Ngọc Khắc.

 

Đối tác